Danh mục: Tin tức | Ngày đăng: 2023-03-27 08:56:27 | Được đăng bởi: Ban Quản Trị
Trang trại trồng sầu riêng của Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức - Xà Bang (ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa được cấp mã số vùng trồng. Cây sầu riêng bước vào năm thứ tư, chuẩn bị cho trái mùa đầu tiên, dự kiến sản lượng đ
Trang trại trồng sầu riêng của Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức - Xà Bang (ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa được cấp mã số vùng trồng. Cây sầu riêng bước vào năm thứ tư, chuẩn bị cho trái mùa đầu tiên, dự kiến sản lượng đạt khoảng 1.000 tấn, một doanh nghiệp Lâm Đồng đã bao tiêu...
Việc được cấp mã số vùng trồng là điều kiện cần để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch, tăng thu nhập cho nông dân trồng sầu riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sầu riêng có đầu ra ổn định
Trang trại sầu riêng của Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức-Xà Bang (ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa được cấp mã số vùng trồng do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác.
Ông Đoàn Đức Hòa, Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức - Xà Bang cho biết, tổng diện tích sầu riêng được cấp mã vùng trồng của tổ sản xuất là 87ha, chủ yếu là giống sầu riêng Ri6 và sầu riêng Mongthong. Trang trại sầu riêng đã bước vào năm thứ tư và chuẩn bị cho trái mùa đầu tiên, dự kiến sản lượng đạt khoảng 1.000 tấn và một DN tại Lâm Đồng đã bao tiêu toàn bộ.
Theo ông Hòa, để sầu riêng đạt tiêu chuẩn vùng trồng xuất khẩu cần phải tuân thủ nghiêm quá trình canh tác theo từng giai đoạn.
Hiện trang trại đều canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, phân thuốc được kiểm soát nghiêm, hệ thống nước tưới sử dụng phương pháp tưới pec tự động và ghi nhật ký canh tác theo từng giai đoạn từ kiến thiết đến khi thu hoạch.
Bông sầu riêng, trái sầu riêng non cũng tỉa thường xuyên để bảo đảm về chất lượng, độ đồng đều sản phẩm.
Từ tháng 9/2022, Tổ sản xuất đã làm hồ sơ xin cấp mã vùng trồng và đến 23/2/2023 đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt mã số đối với 4 vùng trồng gồm: VN-BVOR-0009, VN-BVOR-0010, VN-BVOR-0011, VN-BVOR-0012.
“Việc cấp mã số vùng trồng được xem điều kiện bắt buộc để sầu riêng có đầu ra ổn định, nhất là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, ông Hòa nói.
Cũng vừa được cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, HTX sầu riêng 9 Bê (ấp Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đang canh tác trên diện tích 36,9ha.
Ông Nguyễn Hữu Bê, Giám đốc HTX sầu riêng 9 Bê cho biết, nhờ áp dụng mô hình trồng theo hướng hữu cơ nên sầu riêng cho năng suất cao, đầu ra ổn định. Vụ sầu riêng năm nay, dự kiến thu khoảng 200 tấn.
Ông Đoàn Đức Hòa, Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức-Xà Bang (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chăm sóc trang trại sầu riêng của gia đình đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Trước đây, khi chưa có mã số vùng trồng, gần đến giai đoạn thu hoạch thì thương lái mới vào tận vườn hỏi mua. Còn hiện nay cây mới trong giai đoạn đơm hoa kết trái, một số DN đã đến tìm hiểu và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Việc được cấp mã số vùng trồng giúp nâng giá trị trái sầu riêng đối với thị trường trong và ngoài nước. Lợi nhuận cũng cao gấp 5-6 lần so với trồng tiêu, cao su”, ông Bê nhấn mạnh.
Hướng trồng sầu riêng bền vững
Cùng với các loại nông sản khác, sầu riêng Bà Rịa-Vũng Tàu là loại nông sản mới nhất có được “hộ chiếu” xuất ngoại chính ngạch.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, vài năm gần đây, cây sầu riêng có giá trị kinh tế nên nhiều người dân chuyển sang trồng, đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa xuất khẩu. So với nhiều địa phương khác ở miền Tây, Tây Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu không có tình trạng tăng nóng diện tích cây sầu riêng.
Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo người dân không nên tăng diện tích ồ ạt và trồng trên những diện tích đất phù hợp với cây sầu riêng để tránh trường hợp cung vượt quá cầu, giá thành giảm xuống.
Mới đây, huyện Châu Đức đã có 5 vùng trồng được công nhận mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có 4 mã ở xã Xà Bang, một mã ở xã Láng Lớn với diện tích 124,2ha. Đây là điều kiện thuận lợi để trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Phòng NN-PTNT huyện đã có các chính sách để hỗ trợ cho người dân như hỗ trợ một phần đầu tư đầu vào, chứng nhận VietGAP cho các vùng trồng này.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được thuận lợi, bền vững và không ảnh hưởng đến uy tín của sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam, Chi cục phối hợp với các địa phương, vùng trồng triển khai tập huấn, hướng dẫn và giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát sinh vật gây hại, ghi chép lưu trữ hồ sơ nhật ký điện tử...
Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn nông dân đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật đối với các vườn sầu riêng giai đoạn kinh doanh ổn định; áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc sản xuất hữu cơ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
(Theo danviet.vn)