Một số lưu ý trong khâu lập vườn và chăm sóc kiến thiết cơ bản sầu riêng

Danh mục: Kiến thức nhà nông | Ngày đăng: 2023-03-21 08:57:32 | Được đăng bởi: Ban Quản Trị


Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trở thành cơ hội và điều kiện thuận lợi để ngành hàng sầu riêng của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Trong thời gian gần đây các doanh nghiệp tăng cường thu mua sầu riêng và xuấ



Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trở thành cơ hội và điều kiện thuận lợi để ngành hàng sầu riêng của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Trong thời gian gần đây các doanh nghiệp tăng cường thu mua sầu riêng và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cũng từ đó giá sầu riêng thu mua tại vườn tăng. Sự hấp dẫn của giá sầu riêng đã và đang là lý do khiến nhiều hộ mở rộng diện tích sầu riêng, song vấn đề thiết kế vườn, chọn giống và chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản đang đặt ra những thách thức cho nhà vườn

Trong thời gian gần đây diện tích trồng sầu riêng gia tăng khá nhanh, không chỉ tại các vùng trồng truyền thống nhà vườn từ các địa phương có kinh nghiệm trồng sầu riêng đang khai thác vùng Đồng Tháp Mười (chủ yếu tại khu vực đất phèn thuộc các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An) thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa và một số cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó có cây sầu riêng. Việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng tại một số địa phương và kể cả tại vùng “rốn phèn” của vùng Đồng Tháp Mười do nhiều nhà vườn chưa có kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn trong canh tác sầu riêng. Trong khuôn khổ hoạt động của dự án Khuyến nông “Xây dựng mô hình vườn mẫu cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long” 2021-2023, do Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì đã triển khai một số mô hình trồng sầu riêng ở ĐBSCL. Từ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình, xin khuyến cáo nhà vườn trong khâu chọn giống, lập vườn và chăm sóc cây sầu riêng trong giai đoạn kiến thiết cơ bản như sau.

Chọn giống: Hiện có 2 giống sầu riêng được khuyến cáo trồng là giống sầu riêng Ri6 và giống sầu riêng Dona (Monthong), 2 giống này có các đặc tính nổi bật như cây sinh trưởng tốt, chất lượng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Sầu riêng Ri6 và Dona là 2 giống sầu riêng có chất lượng cao, đã và đang được thị trường Trung Quốc (Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới) nhập khẩu chính ngạch, đối với các thị trường nhập khẩu khác 2 giống sầu riêng này cũng có nhu cầu. Hai giống sầu riêng này cũng đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng tại các tỉnh thành ở trong nước, nhất là các thị trường lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng ... Do đó nhà vườn sử dụng giống sầu riêng Ri6 và Dona để phát triển diện tích sầu riêng tại các vùng trồng truyền thống ở các tỉnh như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang … và ngay cả tại vùng Đồng Tháp Mười là phù hợp nhu cầu thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Đê bao vùng trồng: Vùng trồng phải có đê bao chắc chắn nhằm hạn chế tác hại của lũ lụt, giúp giữ nước trong mùa nắng đảm bảo cung cấp nước để tưới cho cây sầu riêng. Tại khu vực Đồng Tháp Mười, đê bao càng có ý nghĩa quan trọng để hạn chế tác động của lũ, nước nhiễm phèn xâm nhập vườn sầu riêng.

Thiết kế mương, liếp: Kích thước liếp rộng 6-7 m, mương rộng 2-3 m, sâu 1,0-1,2 m (ngoại trừ những khu đất có chứa các yếu tố bất lợi cho cây sầu riêng nằm ở độ sâu ≤1,2 m, tầng sinh phèn). Đối với vùng Đồng Tháp Mười, khi thiết kế mương liếp cần lưu ý thiết kế sao cho nước vào đầu này của mương và thoát ra ở đầu kia của mương để rửa phèn trong khu vườn được tốt.

Mật độ và khoảng cách trồng: Nên trồng hàng đơn, tức mỗi liếp có 1 hàng. Khuyến cáo khoảng cách trồng là 7x8 m (175 cây/ha) hoặc 7x9 m hay 8x8 m (150 cây/ha) hoặc 7x10 m (140 cây/ha) hoặc 8x9 m (130 cây/ha) hoặc 8x10 m (120 cây/ha).

Làm mô trồng: Cần lên mô cao để hạn chế cây bị bệnh thối rễ và bệnh xì mủ do Phytophthora. Đối với đất ruộng, nên làm mô trước khi đào mương lên liếp. Sử dụng lớp đất mặt của ruộng để làm mô. Mô có kích thước mặt: 0,8-1,0 m, đáy mô: 1,2-1,4 m, chiều cao mô: ≥ 1,2 m (hàng năm đắp mô rộng ra theo tán cây). Đối với đất đã lên mương liếp, đắp mô trên liếp có kích thước mặt mô: 0,8-1,0 m, đáy mô: 1,0-1,2 m, chiều cao mô: ≥ 0,8 m (hàng năm đắp mô rộng theo tán cây).

Tỉa cành, tạo tán: Thực hiện ngày từ năm thứ nhất. Tỉa bỏ các chồi mọc từ gốc ghép, tỉa các cành mọc thấp, mọc đứng. Tỉa cành sao cho chỉ để lại một thân mọc thẳng đứng với cách cành mọc ngang (70-90 độ) đều về các hướng. Khi cây còn nhỏ, để khoảng cách giữa các cành cấp 1 từ 8-10 cm, cây lớn nên để > 30 cm. Cành đầu tiên kể từ mặt đất phải cao hơn 70 cm.

Tưới nước: Giai đoạn cây con tưới nước đủ ẩm để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây khỏe, nhanh cho quả. Lưu ý là độ mặn trong nước tưới phải dưới 0,5‰.

Tủ gốc giữ ẩm: Cây sầu riêng cần sử dụng rơm hoặc cỏ khô phủ kín mô đất 1 lớp dày 10-20 cm, cách gốc 10-50 cm tùy theo cây lớn hay nhỏ. Việc tủ gốc này rất quan trọng. Tủ gốc giúp tránh nắng chiếu trực tiếp xuống mô gây khô cục bộ làm chết rễ. Ngoài ra, vật liệu tủ gốc cũng là nguồn cung cấp hữu cơ rất tốt cho cây sầu riêng. 

Trồng xen, che phủ đất: Trong những năm đầu có thể trồng một số cây ngắn ngày hoặc cây ăn quả sinh trưởng, phát triển nhanh như chuối, ổi…giúp lấy ngắn nuôi dài.

Liều lượng và chủng loại phân bón giai đoạn kiết thiết cơ bản:

Phân hữu cơ: Liều lượng 10-30 kg phân chuồng hoai (hoặc 12 kg phân hữu cơ công nghiệp/cây/năm, chia thành nhiều lần bón. Liều lượng phân chuồng năm thứ 1 và thứ 2 khoảng 10-20 kg/cây và đến năm thứ 3 đến 5 là 25-30 kg/cây. Nên kết hợp sử dụng nấm Trichoderma và phân Humic, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.   

Phân vô cơ:  Có thể sử dụng phân đơn (ure, lân, kali) hoặc phân N-P-K để bón cho cây giai đoạn kiến thiết cơ bản. Khuyến cáo bón phân hóa học thời kỳ kiến thiết cơ bản như sau:

Vôi: Bón 0,5-4,0 kg/cây vào đầu mùa mưa. Nếu đất vườn có pH > 6,5 thì không nên bón vôi.

Thời điểm và cách bón phân: Cơi đọt đầu tiên sau khi trồng chuyển già mới tiến hành bón phân hữu cơ và hóa học. Phân hữu cơ nên xới nhẹ xung quanh gốc để bón và tưới nước. Phân hóa học nên hòa tan vào nước để tưới vào vùng rễ trong năm đầu. Những năm sau xới nhẹ xung quanh gốc để bón phân và tưới nước.

Trên đây là một số lưu ý đối với nhà vườn trồng sầu riêng trong khâu lập vườn và chăm sóc kiến thiết cơ bản vườn cây sầu riêng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho những nhà vườn mới bắt đầu và đang thực hiện các công việc trồng sầu riêng.

(Theo nongnghiep.vinhlong.gov.vn)