Làm ra cà phê vườn rừng nức tiếng từ cách làm.. không giống ai

Danh mục: Tin tức | Ngày đăng: 2023-02-18 08:46:16 | Được đăng bởi: Ban Quản Trị


Với cách làm không giống ai, ông Trịnh Tấn Vinh biến vườn cà phê của mình thành khu rừng trong lành. Đặc biệt, sản phẩm cà phê có giá trị cao hơn nhiều thông thường.



Với cách làm không giống ai, ông Trịnh Tấn Vinh biến vườn cà phê của mình thành khu rừng trong lành. Đặc biệt, sản phẩm cà phê có giá trị cao hơn nhiều thông thường.

Đất vườn sống lại

Những năm gần đây, gia đình ông Trịnh Tấn Vinh, ngụ thôn Tân Phú 2 (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) tập trung vào thực hiện mô hình cà phê hữu cơ với tổng diện tích khoảng 1ha. Đến nay, sau 14 năm, sản phẩm cà phê honey (cà phê mật ong) hữu cơ của gia đình ông đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.

Năm đầu tiên áp dụng hình thức hữu cơ, năng suất cà phê của gia đình ông Ving từ 5 tấn nhân/ha tụt xuống còn chưa đầy 2 tấn. Đến nay, cây trên vườn đã phát triển ổn định, năng suất được cải thện.

Khu vườn cà phê 1ha của gia đình ông Vinh nằm gần Quốc lộ 20 và đây cũng là khu vườn từng chịu nhiều đàm tiếu, lời ra tiếng vào của người dân trong vùng vì cách làm "không giống ai". Trước đây, gia đình ông Vinh vẫn sản xuất cà phê theo lối truyền thống và sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Đến năm 2007, ông chợt nhận ra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như vậy mang đến nhiều hậu quả khó lường cả về sức khỏe lẫn môi trường. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định tìm hiểu và đến năm 2008 thì chuyển qua sản xuất cà phê hữu cơ.

Năm đầu tiên áp dụng hình thức hữu cơ, năng suất vườn từ 5 tấn nhân/ha tụt xuống chỉ còn chưa đầy 2 tấn nhân khiến bản thân ông và người nhà hụt hẫng. Nặng nề hơn khi nhiều người trong vùng không ngừng chỉ trích về cách làm "không giống ai" này.

Dù nguồn thu thiếu hụt trầm trọng vụ đầu nhưng gia đình ông Vinh vẫn không từ bỏ, thay vào đó ông bắt tay vào thực hiện quy trình bài bản, khoa học hơn để vực dậy sức sống cho vườn. "Tôi nghiên cứu các tài liệu nhiều hơn, hỏi han các chuyên gia, cán bộ nông nghiệp về nông nghiệp hữu cơ nhiều hơn. Thông qua đó, cách làm dần được cải thiện", lão nông Trịnh Tấn Vinh chia sẻ.

Theo chủ vườn, vấn đề quan trọng nhất khi chuyển từ cách làm truyền thống qua hữu cơ là vừa đảm bảo được sự sinh trưởng của cây vừa phòng ngừa được các loại sâu, bệnh hại. Để cây có đủ chất dinh dưỡng, sinh trưởng tốt, gia đình ông đã kết hợp sử dụng phân chuồng với các loại phân vi sinh. Đối với các loại sâu, bệnh hại, ban đầu gia đình phải áp dụng các chế phẩm sinh học để diệt trừ. Về sau, khi môi trường vườn được cân bằng thì cây dần xanh tươi, phát triển mạnh.

Cũng theo ông Vinh, một trong những giải pháp tạo ra sự thay đổi cho vườn phải kể đến là lớp thảm thực vật bằng cỏ lá đậu. Theo đó, khi gia đình trồng lớp cỏ này ở bề mặt vườn, các loại cỏ dại được hạn chế triệt để. Đặc biệt hơn, vườn luôn giữ được độ ẩm, có hệ vi sinh vật phát triển mạnh và tạo môi trường sống lý tưởng cho các loài thiên địch.

"Trước năm 2008, mỗi năm gia đình phải chi một khoản tiền lớn cho chi phí thuốc diệt cỏ, công phun thuốc diệt cỏ. Bây giờ, nhờ có thảm thực vật cỏ lá đậu nên gia đình tiết kiệm được khoản này. Về mùa khô cũng tiết kiệm được 2 - 3 đợt tưới. Đặc biệt hơn là đất đã sống lại, cây cứng cáp, sinh trưởng tốt", ông Trịnh Tấn Vinh chia sẻ.

Cà phê honey từ vườn rừng

Khom mình đi giữa những gốc cà phê xanh rợp, ông Vinh không dấu được niềm vui, thổ lộ: "Ở nền vườn có màu xanh cỏ lá đậu, lớp thứ 2 là màu xanh của những tán cà phê, lớp thứ 3, thứ 4 là những tán mắc ca, sầu riêng. Tất cả đã tạo nên khu vườn rừng xanh mướt, không khí trong lành, mát mẻ".

Ở vườn rừng này, năng suất cà phê hiện đạt 4 tấn nhân/ha. Để nâng cao giá trị cho sản phẩm, gia đình ông Trịnh Tấn Vinh tổ chức thu hoạch theo phương thức chọn lọc 100% quả chín. Số cà phê sau thu hái sẽ được rửa sạch, tuyển chọn lại 1 lần nữa và chuyển qua chế biến dòng cà phê cao cấp honey hữu cơ (cà phê mật ong).

Sản phẩm cà phê hữu cơ honey với thương hiệu Thuần Trịnh đã được thị trường đón nhận.

Theo chủ vườn, năm 2016, một tiến sĩ nông nghiệp Việt kiều Đức đến thăm vườn cà phê của gia đình ông và phát hiện những quả cà phê tròn bóng, thơm, ngọt, nhân có chất lượng cao nên đã hướng dẫn gia đình chế biến thành sản phẩm cà phê honey. Vị tiến sĩ này sau đó đã chuyển giao toàn bộ quy trình để gia đình ông tự sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường.

Hiện nay, gia đình ông Trịnh Tấn Vinh đã hoàn tất quy trình từ sản xuất đến đóng gói với thương hiệu cà phê Thuần Trịnh. Mỗi năm, gia đình ông sản xuất và cung ứng ra thị trường trong, ngoài nước trên 1 tấn cà phê honey hữu cơ thành phẩm và trên 2 tấn cà phê bột hữu cơ thông thường. Sản phẩm cà phê Thuần Trịnh cũng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020 và đạt 4 sao vào năm 2021. Trong năm 2021, sản phẩm cà phê Thuần Trịnh đạt giải thưởng nông sản sạch tỉnh Lâm Đồng.

Ông Trịnh Tấn Vinh cho biết, mô hình cà phê hữu cơ giúp gia đình tiết kiệm từ 25 - 30% chi phí về nhân công diệt cỏ, thuốc trừ cỏ so với cách làm thông thường; giảm 40% chi phí phân bón, chi phí vận hành tưới. "Mỗi công đoạn giảm một ít và khi tổng kết lại sẽ là một khoản không nhỏ, góp phần gia tăng lợi nhuận", ôn Trịnh Tấn Vinh nói.

(Theo nongnghiep.vn)